Diến biến Trận hồ Trường Tân

Tống Thời Luân (giữa), Tư lệnh Tập đoàn quân 9 Chí nguyện quân Nhân dân

Đêm ngày 27 tháng 11, Quân đoàn 20 và 27 Tập đoàn quân 9 mở nhiều đợt tấn công và phục kích dọc theo tuyến đường nối hồ Trường Tân với Kot'o-ri. Tại Yudam-ni, Sư đoàn 79 và 89 PVA bao vây và tấn công Trung đoàn 5, 7 và 11 Thủy quân lục chiến, trong khi Sư đoàn 59 PVA tấn công tuyến đường nối Yudam-ni với Hagaru-ri hòng cắt liên lạc. Tương tự, Sư đoàn 80 và 81 PVA cô lập và phục kích RCT-31 tại Sinhung-ni. Tại Hagaru-ri, sở chỉ huy Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến là mục tiêu của Sư đoàn 58 PVA. Cuối cùng, Sư đoàn 60 PVA bao vây các phần tử của Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến tại Kot'o-ri từ phía bắc.[43] Hoàn toàn không đề phòng, lực lượng Liên Hợp Quốc chịu cô lập tại Yudam-ni, Sinhung-ni, Hagaru-ri và Kot'o-ri vào ngày 28 tháng 11.[68]

Chiến sự tại Yudam-ni

Binh lính Sư đoàn 79 của Trung Quốc giao chiến với Thủy quân lục chiến tại Yudam-ni

Theo chỉ thị của Almond, Smith ra lệnh cho Trung đoàn 5 Thủy quân lục chiến tấn công phía tây theo hướng Mypyong-ni vào ngày 27 tháng 11. Cuộc tấn công sớm bị đình trệ khi Sư đoàn 89 PVA buộc Thủy quân lục chiến phải đào hầm công sự sâu trong các rặng núi bao quanh Yudam-ni. Khi đêm xuống, ba trung đoàn của Sư đoàn 79 PVA tấn công các rặng núi phía bắc và tây bắc Yudam-ni, hy vọng mau chóng tiêu diệt đồn trú của kẻ địch. Giao tranh tầm gần nổ ra khi quân Trung Quốc đột phá vị trí của Thủy quân lục chiến. Trung đoàn 5 và 7 Thủy quân lục chiến giữ vững phòng tuyến, gây thương vong nặng nề cho quân Trung Quốc. Ngày 28 tháng 11, hai bên rơi vào thế bắc quanh vành đai Yudam-ni.

Trong khi chiến sự tại Yudam-ni vào hồi ác liệt, Sư đoàn 59 PVA đã chặn tuyến đường nối Yudam-ni với Hagaru-ri khi tấn công Đại đội Charlie và Fox của Trung đoàn 7 Thủy quân lục chiến. Đợt tấn công thành công buộc Đại đội Charlie phải rút lui tới Yudam-ni, cô lập Đại đội Fox do Đại úy William E. Barber chỉ huy trên một ngọn đồi nhìn ra đèo Toktong, con đèo quan trọng kiểm soát tuyến đường máu. Ngày 29 tháng 11, Trung đoàn 7 Thủy quân lục chiến thất bại khi cố giải cứu Đại đội Fox, dù gây thương vong nặng nề cho quân Trung Quốc. Nhờ pháo binh và chiến đấu cơ Marine Corsair hỗ trợ, Đại đội Fox cầm cự được năm ngày trước hàng loạt đợt tấn công liên tục của Sư đoàn 59 PVA.

Sau những tổn thất nặng nề mà Sư đoàn 79 PVA phải gánh chịu tại Yudam-ni, Bộ tư lệnh Tập đoàn quân 9 mới ngộ ra rằng phần lớn Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến đều đóng tại Yudam-ni, có quân số đồn trú đông gấp đôi so với ước tính ban đầu. Tin là có tấn công thêm nữa cũng vô ích, Tống Thời Luân ra lệnh cho Tập đoàn quân 9 chuyển hướng tấn công chính sang Sinhung-ni và Hagaru-ri, buông tha cho Yudam-ni từ ngày 28 đến 30 tháng 11. Cùng lúc đó, Tập đoàn quân số 8 Hoa Kỳ ở mặt trận phía tây Triều Tiên buộc phải rút lui triệt để sau Trận sông Thanh Xuyên và MacArthur ra lệnh cho Almond kéo Quân đoàn X về cảng Hungnam. Theo chỉ thị của Almond và Smith, Trung tá Raymond L. Murray và Đại tá Homer L. Litzenberg, chỉ huy Trung đoàn 5 và 7 Thủy quân lục chiến, phát lệnh đột phá từ Yudam-ni tới Hagaru-ri vào ngày 30 tháng 11. Trước cuộc giao tranh cam go giữa các sư đoàn Trung Quốc vây hãm và Thủy quân lục chiến rút lui, Smith tuyên bố: "Chết tiệt, rút quân ư? Chúng ta không rút quân, chúng ta chỉ đang tiến quân theo một hướng khác."

Theo kế hoạch đột phá vòng vây, Thủy quân lục chiến được tổ chức thành một đoàn hộ tống dẫn đầu bởi xe tăng M4A3 Sherman. Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 5 (3/5) Thủy quân lục chiến làm tiên phong dẫn đường, ba tiểu đoàn khác lãnh nhiệm vụ bọc hậu. Đồng thời, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 7 (1/7) Thủy quân lục chiến sẽ tấn công về phía Đại đội Fox hòng mở đường tại đèo Toktong. Để bắt đầu đột phá, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 7 (3/7) Thủy quân lục chiến trước tiên phải tấn công xuống phía nam, đánh chiếm Đồi 1542 và 1419 nhằm bảo vệ tuyến đường máu khỏi các đợt tấn công của quân Trung Quốc. Phi đội 1 Thủy quân lục chiến chịu trách nhiệm hỗ trợ trên không.

Thủy quân lục chiến giao chiến với quân Trung Quốc

Sáng ngày 1 tháng 12, Tiểu đoàn 3/7 Thủy quân lục chiến giao chiến với Trung đoàn 175 Sư đoàn 59 PVA tại Đồi 1542 và 1419. Quân phòng thủ Trung Quốc nhanh chóng buộc Thủy quân lục chiến phải đào hầm công sự trên những con dốc nằm giữa tuyến đường máu và các cao điểm khi đoàn hộ tống đi qua vị trí của Tiểu đoàn 3/7 vào buổi chiều. Chưa chiếm được Hagaru-ri, Bộ tư lệnh tối cao PVA điều Sư đoàn 79 tiếp tục tấn công Yudam-ni, trong khi Sư đoàn 89 lao về phía nam theo hướng Kot'o-ri. Quân Trung Quốc tấn công về đêm, ác liệt tới mức quân Hoa Kỳ yểm trợ phía sau phải gọi chiến đấu cơ trong đêm trấn áp. Giao tranh kéo dài đến sáng ngày 2 tháng 12, khi toàn bộ Thủy quân lục chiến đều rút khỏi Yudam-ni.

Đồng thời, ngày 1 tháng 12, Tiểu đoàn 1/7 Thủy quân lục chiến cũng đang cố gắng phá vòng vây của quân Trung Quốc tại Đồi 1419. Dù thiệt hại nặng nề do chiến đấu, đói và lạnh cóng, Sư đoàn 59 PVA vẫn cho năm trung đội còn lại xung phong, quyết không chịu nhượng bộ. Khi màn đêm dần buông xuống, Tiểu đoàn 1/7 cuối cùng cũng chiếm được cao điểm và bắt đầu hành quân qua ngọn đồi phía đông tuyến đường máu. Lợi dụng yếu tố bất ngờ, Tiểu đoàn 1/7 tiêu diệt được vài cứ điểm Trung Quốc dọc đường. Sáng ngày 2 tháng 12, nhờ một đợt hiệp đồng tấn công giữa Đại đội Fox và Tiểu đoàn 1/7 mà đèo Toktong được bảo vệ, mở ra tuyến đường nối Yudam-ni với Hagaru-ri.

Mặc dù đã khai thông được tuyến đường giữa Yudam-ni và Hagaru-ri, đoàn hộ tống vẫn phải chiến đấu qua vô số vị trí của quân Trung Quốc trên các ngọn đồi ven đường. Đêm đầu tiên rút lui, quân Trung Quốc tấn công ác liệt đoàn hộ tống và gây thương vong nặng nề cho Tiểu đoàn 3/5 Thủy quân lục chiến. Dù lực lượng không quân mạnh mẽ trấn áp được hầu hết quân Trung Quốc, thời tiết lạnh giá, hỏa lực quấy rối, quân đột kích và các rào chắn khiến đoàn hộ tống di chuyển rất chậm chạp và chịu nhiều thương vong. Bất chấp những khó khăn trên, đoàn hộ tống đến Hagaru-ri vào chiều ngày 3 tháng 12, và chính thức hoàn tất kế hoạch rút lui vào ngày 4 tháng 12.

Phía đông hồ Trường Tân

RCT-31, về sau được gọi là "Lực lượng Đặc nhiệm Niềm tin", là một đội tác chiến cấp trung đoàn được thành lập vội vã từ Sư đoàn 7 Bộ binh, bảo vệ sườn phải cuộc tiến công theo hướng Mypyong-ni của Thủy quân lục chiến. Trước trận chiến, RCT-31 được bố trí mỏng, chia làm nhiều nhóm rải rác đóng tại các ngọn đồi ở phía bắc Sinhung-ni, con lạch Pyungnyuri ở phía tây Sinhung-ni và thị trấn Hudong-ni ở phía nam Sinhung-ni. Được Trung Quốc đánh giá là một trung đoàn tăng cường, RCT-31 lại thực sự rất yếu, thiếu hẳn một tiểu đoàn, do phần lớn Sư đoàn 7 Bộ binh đang phân tán khắp đông bắc Triều Tiên.

Đêm ngày 27 tháng 11, ba trung đoàn từ Sư đoàn 80 PVA tấn công các ngọn đồi phía bắc và con lạch Pyungnyuri, hoàn toàn gây bất ngờ cho quân phòng thủ. Trong trận giao tranh sau đó ở phía bắc Sinhung-ni, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 32 Bộ binh chịu thương vong nặng nề, trong khi đó, ở lạch Pyungnyuri, Tiểu đoàn 57 Pháo binh dã chiến và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 31 Bộ binh cũng gần như thảm bại. Trung Quốc đẩy tiếp Trung đoàn 242 Sư đoàn 81 tới Đồi 1221, ngọn đồi bất khả xâm phạm kiểm soát tuyến đường nối Sinhung-ni với Hudong-ni. Khi cuộc giao tranh buổi đêm kết thúc, RCT-31 đã tách làm ba nhóm.

Tin rằng đã hoàn toàn tiêu diệt được quân phòng thủ ở lạch Pyungnyuri, quân Trung Quốc ngừng tấn công và chuyển qua cướp lương thực và quần áo. Sáng ngày 28 tháng 11, Tiểu đoàn 3/31 Bộ binh bất ngờ phản công, đánh lui quân Trung Quốc tại lạch Pyungnyuri. Vào buổi chiều, Almond bay tới đồn lũy tại Sinhung-ni của RCT-31, tự tin RCT-31 đủ mạnh để tấn công phía bắc và đối phó với bất kỳ lực lượng Trung Quốc "tàn dư" nào cản đường. Almond ra lệnh cho Đại tá Allan D. Maclean, chỉ huy trưởng RCT-31, tiếp tục tấn công về phía bắc, phong tặng cho ba sĩ quan của Maclean huân chương Sao bạc. Quá chán chường, Trung tá Don C. Faith, Jr., chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 1/32 Bộ binh, ném thẳng huân chương vừa được phong tặng xuống tuyết.

Đêm ngày 28 tháng 11, Sư đoàn 80 PVA lại tấn công với bốn trung đoàn. Tại con lạch, cuộc tấn công của quân Trung Quốc hóa thảm họa khi họ đứt liên lạc và phải đối mặt với hỏa lực tàn khốc từ pháo phòng không M16 và M19 của Tiểu đoàn 57 Pháo binh dã chiến. Sau giao tranh, Trung đoàn 238 và Trung đoàn 239 PVA đều còn không đầy 600 người. Mặt khác, những đợt tấn công của Trung đoàn 240 PVA đã buộc Maclean phải ra lệnh rút lui khỏi các ngọn đồi phía bắc về phía Sinhung-ni. Ngày 29 tháng 11, Tiểu đoàn 1 Bộ binh phá được vòng vây và tiến đến đồn lũy Sinhung-ni, nhưng Maclean không may bị lạc khi nhìn nhầm lính Trung Quốc với lính Mỹ. Đêm ngày 29 tháng 11, quân Trung Quốc ngừng tấn công, chờ tiếp viện.

Khi RCT-31 trong vòng vây, Almond cuối cùng cũng lệnh cho Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến xuất phát từ Yudam-ni tới giải cứu RCT-31, một mệnh lệnh bất khả thi với Smith. Chỉ có Đại độ xe tăng 31 cố giải cứu RCT-31 khi tấn công Đồi 1221 từ Hudong-ni mà không có bộ binh yểm trợ, hai cuộc tấn công thiết giáp vào ngày 28 và 29 tháng 11 đình trệ do đường trơn, địa hình gồ ghề và các cuộc xung phong gần của bộ binh. Đến ngày 30 tháng 11, quân Hoa Kỳ sơ tán khỏi Hudong-ni để bảo vệ Hagaru-ni, khiến phần còn lại của RCT-31 hoàn toàn mắc kẹt.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận hồ Trường Tân http://www.cass.net.cn/zhuanti/y_kmyc/kangmei/2/ch... http://www.cass.net.cn/zhuanti/y_kmyc/kangmei/2/ch... http://militaryhistory.about.com/od/battleswars190... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/322419/K... http://www.historynet.com/the-dragon-strikes-by-pa... http://www.nctimes.com/news/local/military/article... http://www.littlerock.af.mil/news/story.asp?id=123... http://www.history.army.mil/books/korea/20-2-1/toc... http://www.history.army.mil/books/korea/ebb/fm.htm http://www.army.mil/-news/2010/11/10/47908-veteran...